Muối và Baking Soda vẫn được nhiều người sử dụng để vệ sinh răng miệng hàng ngày. Tuy nhiên về mặt hóa học, Baking Soda là chất tẩy rửa. Và hiện nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào khẳng định Muối có tác dụng làm trắng răng.

Trên thực tế, Muối Natri Clorua vẫn là một thành phần chứa trong kem đánh răng nhưng với một lượng rất ít. Lượng muối này giống như một chất để vệ sinh răng khỏi vi khuẩn có hại và không khiến răng bị bào mòn. Một sai lầm mà nhiều người dùng Muối để vệ sinh răng vẫn đang mắc phải đó chính là súc miệng bằng nước muối với nồng độ cao hay ngậm trực tiếp muối hạt trong miệng.

Điều này sẽ làm tổn thương tế bào niêm mạc họng, về lâu dài còn gây thừa muối trong cơ thể. Việc sử dụng nước muối với nồng độ muối quá cao và không súc miệng lại sau khi súc nước muối sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng khô miệng, khô họng. Dùng nước lạnh mà không dùng nước ấm để pha nước muối không chỉ không làm sạch được răng mà nước muối lạnh còn là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến răng và nướu.

Đối với Baking Soda, đó là một chất tẩy nhẹ, có thể trung hòa các Axit gây sâu răng. Vì vậy, Baking Soda có thể đánh bóng răng nhưng đồng thời sẽ làm mòn men răng theo thời gian.

Men răng là lớp ngoài cùng rất mỏng của răng. Khi men răng bị bào mòn sẽ dẫn đến các bệnh răng miệng như sâu răng, hôi miệng do vi khuẩn trong mảng bám có thể xâm nhập vào răng nhanh hơn.

Hỗn hợp Muối kết hợp với Baking Soda sẽ làm sạch răng sáng bóng trước mắt nhưng dùng càng nhiều thì thiệt hại sẽ rất lớn. Men răng bị mài mòn còn khiến răng trở nên nhanh vàng hơn. Thậm chí nếu dùng Muối và Baking Soda lâu dài còn gây tổn thương nướu răng và ảnh hưởng đến thần kinh.

Theo các bác sĩ nha khoa, để giữ cho răng trắng sáng, điều quan trọng là phải thường xuyên chải răng bằng kem đánh răng được hiệp hội nha khoa tại mỗi quốc gia phê duyệt và loại bỏ thực phẩm bám trong kẽ răng bằng chỉ nha khoa.